Lượt xem: 305

Cù Lao Dung quyết tâm xây dựng nông thôn mới, với diện mạo mới và tầm cao mới

Sau hơn 13 năm triển khai (2010 - 2023), trải qua 3 giai đoạn thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Bởi phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới lan tỏa mạnh mẽ, được nhân dân trên địa bàn huyện đồng thuận thống nhất cao, kinh tế xã hội của huyện có bước phát triển khá mạnh, diện mạo nông thôn có sự chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể.

    Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và toàn diện

    Theo đồng chí Trần Văn Nguyên – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung, để tổ chức, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hiệu quả, Huyện ủy, UBND huyện rất quan tâm đến công tác kiện toàn bộ máy chỉ đạo và tham mưu thực hiện chương trình phù hợp theo từng giai đoạn. Theo đó, ngay từ thời điểm bắt đầu triển khai, UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đúng theo quy định. Khi trải qua 2 lần kiện toàn và nhiều lần củng cố, thay đổi thành viên, đến giai đoạn 2021-2025, Ban Chỉ đạo do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, 2 đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm phó ban và 31 thành viên là người đứng đầu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, các phòng, ban chuyên môn, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện.


Mô hình “tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu”. Ảnh Sớm Mai

 

    Bên cạnh việc ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ chung, Ban Chỉ đạo huyện còn ban hành quyết định phân công thực hiện nhiệm vụ cụ thể nhằm nâng cao tính chủ động, tinh thần trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được giao về xây dựng nông thôn mới, nhất là các nội dung có tính phối hợp liên ngành. Song song với quá trình hình thành bộ máy chỉ đạo, bộ máy tham mưu giúp việc cũng được thành lập, kiện toàn đồng bộ. Ở cấp xã, đến nay 100% (7/7 xã) đều hoàn thành công tác kiện toàn Ban Chỉ đạo và thành lập Ban Quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia. Còn trên địa bàn các ấp, 100% (34/34 ấp) đã kiện toàn ban phát triển ấp.

    Phải khẳng định, công tác kiện toàn bộ máy chỉ đạo điều hành, tham mưu thực hiện chương trình trên địa bàn huyện đã được thực hiện đảm bảo đúng quy định và kế thừa cách làm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đồng thời, quan tâm bố trí phù hợp về cơ cấu thành phần, số lượng và chất lượng nhân sự; có quy chế phối hợp công tác rõ ràng, hợp lý. Bộ máy chỉ đạo điều hành, tham mưu thực hiện chương trình từ ấp đến huyện đã phối hợp, hoạt động trách nhiệm, hiệu quả, góp phần quan trọng vào thành công chung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn trên địa bàn huyện Cù Lao Dung.

    Chiến lược cụ thể, hiệu quả bất ngờ

    Quán triệt sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ then chốt mang tính đột phá chiến lược trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ từ huyện đến cơ sở. Huyện ủy đã kịp thời ban hành Chương trình hành động về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 và giai đoạn 2016-2020 phù hợp với tình thực tế của huyện Cù Lao Dung. Riêng giai đoạn 2021-2025 Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 16/12/2021 về xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đặc biệt, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Thông báo số 552-TB/HU ngày 15/3/2023 phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách theo dõi, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới năm 2023.

    Để triển khai thực hiện nghị quyết của Huyện ủy đạt hiệu quả, UBND huyện đã cụ thể hóa bằng kế hoạch giai đoạn, cũng như kế hoạch hng năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành. Đối với mỗi cơ quan, đơn vị cũng có những kế hoạch riêng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới trên vùng đất Cù Lao Dung. Song song đó, huyện còn tập trung chỉ đạo việc đẩy mạnh truyền thông để tất cả các chương trình, chủ trương, nghị quyết được thông suốt, tường minh nhằm nâng cao nhận thức của người dân, tạo sự đồng thuận, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và phát huy sức mạnh các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

    Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, các cấp, đơn vị trên địa bàn huyện tổ chức tuyên truyền được 1.025 cuộc có trên 420.250 lượt người tham dự; cấp phát hơn 12.000 tờ bướm, 690 sổ tay hướng dẫn, 120 pano tuyên truyền liên quan Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng. Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn (360 cuộc) và tăng cường kiểm tra, giám sát gắn với công tác thi đua khen thưởng…

    Huyện Cù Lao Dung đã phát huy mọi nguồn lực trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Kết quả đến năm 2023, 100% xã (7/7) trên địa bàn huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, riêng xã An Thạnh Nhất đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các xã đã hoàn thành việc rà soát nâng chất các chỉ tiêu tiêu chí theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025; huyện đã thực hiện hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn. Qua từng giai đoạn thực hiện xây dựng nông thôn đã có sự chuyển biến, thay đổi về cách thức tổ chức thực hiện và từng bước đi vào chiều sâu, chú trọng đến chất lượng từng tiêu chí; quan tâm đến đời sống người dân nhiều hơn và tập trung chỉnh trang bộ mặt nông thôn ngày càng sáng -xanh - sạch - đẹp.

    Mỗi mô hình tiêu biểu, một sự thay đổi lớn

    Tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Cù Lao Dung phải kể đến là 7 mô hình tiêu biểu từ các đơn vị. Trước hết, là Mô hình “Thắp sáng đường quê” do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện Cù Lao Dung và Công an huyện phát động, tổ chức thực hiện tại xã An Thạnh Nhất, An Thạnh Nhì, An Thạnh Đông và xã Đại Ân 1. Từ năm 2015-2023, từ mô hình đã vận động được 306 trụ đèn năng lượng mặt trời, 235 trụ đèn đường với chiều dài trên 16.320m, đã thắp sáng các tuyến đường liên ấp, liên xã nơi chưa được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng vào ban đêm, giúp cho người dân thuận tiện trong di chuyển vào ban đêm, góp phần ổn định an ninh trật tự ở các khu dân cư.

    Đối với Mô hình “Phân loại rác tại nguồn” do Huyện đoàn thực hiện đã góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng, thu hút 690 hộ tham gia. Sôi nổi nhất có lẽ là Mô hình “tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu” đã được phát động rộng rãi trên toàn huyện. Với mục tiêu chỉnh trang bộ mặt nông thôn đảm bảo sáng - xanh sạch - đẹp gắn với xây dựng mô hình ấp văn hóa nông thôn mới, hộ gia đình văn hóa nông thôn mới ở các xã. Từ năm 2015 đến nay, đã có hơn 14.400 cây xanh, cây hoa các loại được trồng trên 34 tuyến đường kiểu mẫu. Còn Mô hình “Chương trình Cà phê đồng hành” do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phát động không kém phần hiệu quả. Chương trình được tổ chức vào ngày 13 hàng tháng, với mục đích kết nối giữa lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện và các ngành chuyên môn, UBND các xã, thị trấn ngồi lại uống cà phê trao đổi với các hợp tác xã, tổ hợp tác, các công ty, doanh nghiệp trong huyện, ngoài huyện.

    Đối với Phong trào “Ngày Chủ nhật xây dựng nông thôn mới” do Văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện phát động đã huy động lực lượng cán bộ, chiến sĩ, học sinh, các tổ chức đoàn thể và nhân dân cùng tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, làm sạch nhà, đẹp phố, cơ quan, công sở. Mô hình thiết thực, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, xây dựng ý thức giữ gìn vệ sinh chung, không sơn, treo, dán quảng cáo sai quy định, không lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh buôn bán. Riêng đối với mô hình “Vùng trồng tập trung liên kết tiêu thụ nông sản” đã đem đến sự thịnh vượng, thúc đẩy mạnh trong phát triển kinh tế của huyện. Từ năm 2020 đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã thực hiện được 46 vùng trồng tập trung với diện tích 619 ha/416 hộ. Trong đó, có 8 vùng trồng đã được cấp 29 mã số ở 4 hợp tác xã; có 4 vùng sản xuất theo quy trình VietGAP và đã liên kết tiêu thụ bền vững với một số công ty. Ngoài ra, mô hình “Chuỗi giá trị tôm thẻ của Hợp tác xã Thủy sản Hưng Phú” thực hiện năm 2015 là vùng nuôi tôm đạt chuẩn ASC…

    Theo quan điểm của lãnh đạo và người dân huyện Cù Lao Dung, xây dựng nông thôn mới có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc. Bởi xây dựng nông thôn mới phải ngày càng đi vào chiều sâu, quan tâm thực hiện các tiêu chí đạt về chất lượng không chạy theo hình thức, số lượng. Cù Lao Dung tập trung xây dựng vùng nông thôn có cảnh quan, không gian, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp; giữ gìn nét đặc trưng của vùng quê sông nước. Đặc biệt, xây dựng nông thôn mới phải gắn với thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững là nhiệm vụ xuyên suốt, thường xuyên để góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân thực sự nâng cao, đổi mới. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại; an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Điều đó, hứa hẹn một vùng đất Cù Lao Dung giàu đẹp, phát triển và ngày càng phát triển.

Sớm Mai



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 116
  • Hôm nay: 8217
  • Trong tuần: 75,537
  • Tất cả: 11,859,726